Cảm nhận về bài viết Sang Thu của Hữu Thỉnh

Cảm nhận về bài viết Sang Thu của Hữu Thỉnh

Cảm nhận về bài viết Sang Thu của Hữu Thỉnh

02/08/2022
Đ𝒆̂̀ 𝒃𝒂̀𝒊: “Sang thu của Hữu Thỉnh không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ mà còn có hình tượng con người trước những biến chuyển của cuộc đời ở thời khắc giao mùa.”
Bằng hiểu biết về bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh, em hãy viết bài văn để làm sáng rõ nhận xét trên.
———————————
“Chao ôi! Thu đã tới rồi sao?
Thu trước vừa qua mới độ nào
Mới độ nào đây, hoa rạn vỡ
Nắng hồng choàng ấp cây bàng cao
Mùa thu – mùa của tình yêu, mùa của lá vàng rơi rụng, mùa của các cặp tình nhân đi dưới nắng thu để thưởng thức bầu không khí mát mẻ trong lành, cùng nhau nhìn là vàng rơi, rơi mãi đến tận cuối trời. Mùa thu cũng chính là mùa để các thi nhân đắm chìm trong nhiều cung bậc của cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến trước sự biến chuyển của đất trời. Và Hữu Thỉnh cũng không phải là một ngoại lệ khi đã vương vấn tình cảm của mình qua bài thơ “Sang thu”. “Sang thu của Hữu Thỉnh không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ mà còn có hình tượng con người trước những biến chuyển của cuộc đời ở thời khắc giao mùa.”
Hữu Thỉnh là nhà thơ đi nhiều, viết nhiều và có một số bài thơ đặc sắc về con người cùng cuộc sống ở nông thôn. Bài thơ Sang thu được sáng tác vào cuối năm 1977, in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ. Nội dung thể hiện tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến của nhà thơ trước những chuyển biến tinh tế của trời đất và là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của nông thôn đồng bằng Bắc bộ lúc giao mùa từ hạ sang thu.
Mùa thu đến với Hữu Thỉnh khá đột ngột và bất ngờ, không hẹn trước. Bắt đầu không phải là những nét đặc trưng của trời mây hay sắc vàng hoa cúc như trong thơ cổ điển. Nếu như trong “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, mùa thu được nhận ra qua mùi hương cốm mới trong làn gió thổi qua; hay thơ cổ Trung Quốc là một lá ngô đồng rụng, cả thiên hạ biết thu đã sang thì Hữu Thỉnh lại nhận ra mùa thu qua làn hương ổi. Hương ổi là thứ mùi hương gần gũi, quen thuộc với làng quê, với tuổi thơ của nhiều thế hệ, là một ấn tượng mới lạ chưa từng thấy trong thơ. Trong câu: “Bỗng nhận ra hương ổi” thì từ “bỗng” có nghĩa là đột ngột, thình lình. Nhà thơ nhận ra hương ổi trong trang thái chưa hề được chuẩn bị, như là vô tình, như là sửng sốt, như là cơ duyên để nhà thơ được quan sát, được cảm nhận mùa thu mới chớm theo cách riêng của mình. Tác giả dùng từ” bỗng “mà không phải là từ “chợt” hay từ “đột nhiên” , bởi từ “bỗng” như một thán từ, một thái độ bất ngờ reo lên; không những thế, việc sử dụng thanh ngã trong từ “bỗng” làm cho câu thơ như cong vút hẳn lên, làm người nghe bất ngờ, giật mình hơn là thanh nặng trong từ “chợt” hay từ “đột nhiên” . Hương ổi ngỡ ngàng ấy “phả vào trong gió se”, nhờ gió truyền đi tín hiệu báo thu về. “Phả” nghĩa là bốc mạnh và tỏa ra thành luồng, hơi mùa thu đã tỏa đầy trong không gian. Hữu Thỉnh không tả mà chỉ gợi cho người đọc liên tưởng tới trái ổi chín trong khu vườn nhỏ thơm lừng trong những ngày cuối hạ đầu thu, thấm cả vào hồn người. Chính hương ổi đem lại cho gió se một màu mới mang một tính chất mới khác hẳn với các loại gió khác. Và ngược lại gió se của đầu thu mang hương ổi chín vào khứu giác của con người nhanh hơn, mạnh hơn.Cơn gió se cũng là hình ảnh rất giản dị, quen thuộc. Đó là chút gió heo may se se lành lạnh mỗi độ đầu thu rất đặc trưng của miền Bắc Việt Nam. Trước Cách mạng, Xuân Diệu từng bị ám ảnh khôn nguôi bởi những làn gió ấy:
“Đã nghe rét mướt luồn trong gió”
“Những luồng run rẩy rung rinh lá”,…
Có điều đó có lẽ bởi nhà thơ của những cảm xúc cảm giác đang độ tuổi thanh xuân rạo rực đang khao khát uống trọn những rung động thiên nhiên. Hữu Thỉnh thì khác, không chỉ bởi đây là khoảnh khắc đầu thu dìu dịu mà còn bởi tuổi tác đã vững vàng, ông có đủ cái “tĩnh” để lặng lẽ quan sát những chuyến động của tự nhiên. Và như thế, “Sang thu” sẽ còn mang vẻ đẹp của một tâm hồn nhạy cảm mà điềm đạm, sâu sắc.
Cảm thấy, nhìn thấy tốc độ của làn hương ổi chín không lý gì nhà thơ lại không nhìn thấy: “Sương chùng chình qua ngõ”. Một buổi sớm giao mùa của đầu thu, không gian trong lành, thinh lặng nên chỉ có hương ổi, có gió se, có sương mờ giăng giăng bảng lảng trước ngõ nhỏ. Nhà thơ như nghe thấy, như nhìn thấy bước di chuyển của làn sương: nhè nhẹ, chầm chậm như lưỡng lự, như nuối tiếc… Tất cả điều đó được gói trong từ láy tượng hình rất sinh động: chùng chình. Hai thanh huyền của từ láy cho phép người đọc tưởng tượng ra ngay hình thế, vị trí, dáng dấp của làn sương thu buổi sớm. Làn sương không cao, không thấp, cứ là là, uốn lượn, mênh mang, dịu dàng, và mỏng manh. Như thế, hương ổi chín cùng với gió se quyện vào sương thu tạo nên một lát cắt giao mùa rất gợi, rất đẹp, rất quyến rũ. Nó vừa hữu hình vừa vô hình tạo cảm giác lâng lâng, thanh khiết, quyến luyến. Rõ ràng thu đã về chứ đâu còn hình như nữa? Cái hay của từ hình như không phải tạo ra nội dung ý nghĩa mà hay ở sự tạo cảm giác mông lung, ảo huyền hư thực xen lẫn.
Cảm giác bỡ ngỡ ban đầu đã tan biến và nhường chỗ cho sự rung cảm mãnh liệt trước mùa thu tươi sáng. Ở khổ thơ thứ hai, dấu hiệu sang thu mang tính rõ nét hơn. Tác giả không cảm nhận bằng khứu giác mà cảm nhận trực tiếp bằng thị giác. Bức tranh Thu từ những gì vô hình (hương, gió) từ mờ ảo (sương chùng chình) từ nhỏ hẹp (ngõ) chuyển sang những nét hữu hình, cụ thể (sông, chim, mây) với một không gian vừa dài rộng, vừa cao vời. Người đọc thích thú với cấu trúc tự nhiên, chặt chẽ và tuyệt đẹp như trong câu thơ cổ điển:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã”
Dòng sông không cuồn cuộn dữ dội và gấp gáp như trong những ngày mưa lũ mùa hạ. Sông êm ả, dềnh dàng, sông đang lắng lại, đang trầm xuống trong lững lờ như ngẫm nghĩ, suy tư. Tương phản với sông, chim lại bắt đầu vội vã. Hơi Thu lạnh làm cho chúng phải khẩn chương chuẩn bị cho chuyến bay tránh rét. Ta thường chỉ chú ý vào sự “vội vã” đối rất đẹp với sự “dềnh dàng”. Xin chớ quên từ “bắt đầu” rất độc đáo ở đây. Bắt đầu vội vã thôi, chứ chưa phải là đang vội vã. Phải tinh tế lắm mới có thể nhận ra sự “bắt đầu” này trong những cánh chim bay. (Cũng như Huy Cận phải tinh tế lắm mới nhận thấy “trọng lượng” của bóng chiều rơi xuống cánh chim làm nó chao nghiêng “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”). Nét chấm phá độc đáo trong bức tranh thơ gợi nhiều suy tưởng cho người đọc có lẽ ở hai câu thơ sau:
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.”
Ngôn từ là tinh hoa quý giá nhất của người làm thơ. Người làm thơ cũng như kẻ làm vườn vậy, phải chăm chút sao cho vườn hoa ngôn ngữ của mình nở ra những bông hoa đẹp nhất. Thế mới có ý kiến: “Làm thơ là cân một nghìn milligram quặng chữ”. Với ý niệm ấy chữ “vắt” xứng đáng là nhãn tự của câu thơ, là tinh hoa của cả câu thơ này. Hữu Thỉnh dùng động từ “vắt” để gợi ra trong thời điểm giao mùa, đám mây như kéo dài ra, nhẹ trôi như tấm lụa mềm treo lơ lửng giữa bầu trời trong xanh, cao rộng. Đám mây ấy dường như nó vẫn còn vương vấn ánh nắng ấm áp của mùa hạ nên chỉ “vắt nửa mình sang thu”. Nó đã tạo nên một lằn ranh giới mỏng manh, hư ảo. Có lẽ, thực tế sẽ không thể nào có áng mây bé nhỏ nào như thế. Đó chỉ là sự liên tưởng đầy thú vị của thi sĩ. Tất cả góp phần tạo nên một thời khắc giao mùa đầy chất thơ, tinh tế và nhạy cảm, độc đáo nhưng bâng khuâng trong không gian êm dịu của mùa thu.
Hai khổ thơ trên rất đẹp về tạo hình, rất tinh trong cảm nhận, như hai cành biếc của một cây thơ lạ. Nhưng khổ thơ thứ ba là cái gốc của cây thơ đó, là nơi cho hai nhánh thở trên tựa vào để khoe sắc tỏa hương. Khổ thơ thứ ba đem đến cho bài thơ một vẻ đẹp mới, làm trọn vẹn thêm cái ý “sang thu” của hồn người chưa thật rõ ở hai khổ thơ trên.
Trong khổ thơ này, mùa Thu được khẳng định bằng đoán nhận, bằng kinh nghiệm, bằng sự suy ngẫm chứ không phải bằng cảm nhận trực tiếp như hai khổ thơ trước. Mùa Thu không được quan sát từ gần ra xa, từ thấp lên cao mà Thu đang từ từ thu vào trong tâm tưởng, đang lắng lại trong suy tư:
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Mùa thu đến nhưng mùa hạ chưa đi nên vẫn còn bao nhiêu nắng. Cái nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng cũng đã bắt đầu nhạt dần. Và trong thời điểm giao mùa này, những cơn mưa rào mùa hạ thường hay ào ạt, bất ngờ cũng vơi dần đi. Theo đó, những tiếng sấm bất ngờ thường gắn với cơn mưa mùa hạ cũng ít đi và nó không còn làm cho những hàng cây xanh cổ thụ giật mình nữa. Giọng thơ trầm hẳn xuống, câu thơ không đơn thuần chỉ là giọng kể, là sự cảm nhận mà còn là sự suy nghĩ, chiêm nghiệm về đời người. Nhìn cảnh vật biến chuyển khi thu mới bắt đầu, Hữu Thỉnh nghĩ đến cuộc đời khi đã “đứng tuổi”. Tác giả đã mượn hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” để nói lên đời người ở tuổi xế chiều, cũng như mùa thu vậy; có chăng mùa thu là mùa của tuổi con người ta không còn trẻ trung nữa. Nhịp đập của mùa thu, sự chuyển động của mùa thu rất nhẹ nhàng và êm đềm.
Có lẽ khi con người ta trải qua tuổi bồng bột, đến một lúc nào đó cần bình thản nhìn lại và nhẹ nhàng cảm nhận chúng. Phải chăng, mùa thu đời người là sự khép lại của những tháng ngày sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa thu mới, một không gian mới, yên tĩnh, trầm lắng, bình tâm, chín chắn… trước những chấn động của cuộc đời.
Tôi còn nhớ có lần Hữu Thỉnh đã chia sẻ: “Nếu “ý thơ” có rồi nhưng tình cảm chưa đủ chín thì thần thái bài thơ cũng chưa rõ nếu chưa tìm ra “điệu thơ”. Khi cảm xúc chín tới nó sẽ gọi hình ảnh, câu chữ và tự khắc nhịp điệu sẽ “sắp xếp” chúng vào vị trí hợp lý nhất. Trong “Sang thu”, tôi nghĩ, là một ví dụ về việc nhà thơ coi trọng nhịp điệu. Đọc bài thơ, thấy có vẻ như khoan nhặt, từ tốn, bình thản, tĩnh tại… nếu chỉ nhìn bề ngoài; nhưng ngẫm kỹ thì dòng chảy ngầm của nó rất rốt ráo, khẩn trương.” Có lẽ chính bởi những quan niệm ấy của ông mà “Sang thu” được coi như một bài thơ thấm đẫm “điệu tâm hồn”.
Bằng cảm nhận tinh tế và cách dùng từ tự nhiên, chân thật, cùng nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa tài tình, Hữu Thỉnh đã vẽ nên bức tranh đặc sắc về thời điểm giao mùa hạ – thu ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Với “Sang thu”, Hữu Thỉnh đã góp thêm một nét thu mang dấu ấn riêng của mình vào những chùm thơ thu hay và đẹp của thơ ca Việt Nam. Mùa thu lặng lẽ và nhẹ nhàng. Những hình ảnh thơ cứ vương vấn mãi trong hồn người, có một cái gì thật êm, dịu dàng toát lên từ những đoạn thơ ấy. Quả thực ta thấy lòng thanh thản vô cùng mà lại vô cùng nôn nao nhớ đến những miền quê xa vắng trong nắng thu khi đọc mấy câu thơ của Hữu Thỉnh. Bài thơ cũng đã làm rõ câu nói: “Sang thu của Hữu Thỉnh không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ mà còn có hình tượng con người trước những biến chuyển của cuộc đời ở thời khắc giao mùa.”
Bài viết thuộc Ban chuyên môn – Học Văn Chị Hiên
Các bài viết liên quan

Ngày Dự án Khối Trung học – Hàng loạt Dự án học tập ý nghĩa được “trình làng”

Sau nhiều thời gian ấp ủ và xây dựng, Ngày Dự án Khối Trung học đã chính thức được khởi động với hàng loạt các Dự án ý nghĩa được các bạn học sinh báo cáo. Trong hoạt động đầu tiên của Ngày Dự án, các Teen đã có dịp đi du lịch vòng quanh thế giới, đến với nhiều điểm hẹn văn hóa khác nhau với Dự án GLOBAL FAIR.

Tiểu học

Bí kíp kỳ thi – Chuyện bây giờ mới kể

Vậy là các EddieTeen đã vượt qua kì thi học kì I một cách thành công! Chúng tớ đã học tập thật sự rất chăm chỉ đấy. Để có được những bài thi với kết quả rực rỡ, ngoài sự chỉ dạy của các Thầy Cô và sự cố gắng của chính chúng tớ, phải kể đến sự giúp sức của cả lớp nữa đó.

Tiểu học

Eddie Trung học – Khám phá những giá trị văn hóa 54 dân tộc anh em

Một hành trình thú vị của các Eddie Trung học trong Học kì I lần này chính là chuyến đi khám phá Làng Văn hóa - Du lịch Các dân tộc Việt Nam.

Tiểu học